Vừa qua, Viện Y học biển đã tiếp nhận và điều trị thành công một trường hợp bị tai biến lặn biển:

Thợ lặn là nam giới, 41 tuổi, quê ở Khánh Hoà, hiện đang hành nghề lặn đánh bắt hải sản tại đảo Bạch Long Vỹ, TP Hải Phòng.

Bệnh nhân trước khi được điều trị được ghi nhận thông tin như sau:

Bệnh nhân đã hành nghề lặn biển đánh bắt cá trên 20 năm. Trước khi vào viện, bệnh nhân đã lặn 3 ca liên tiếp trong khoảng thời gian 10 tiếng, ở độ sâu khoảng 60m, mỗi lần lặn nạn nhân ở dưới đáy khoảng 35-40 phút, thời gian giảm áp khi nổi lên mặt nước vào khoảng 5-7 phút. Sau lần lặn thứ 3, bệnh nhân đột ngột xuất hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn kèm theo tê yếu 2 chân, đi lại khó khăn, bí tiểu tiện. Nạn nhân đã được xử trí tại Trung tâm quân dân y Bạch Long Vỹ, sau đó nhanh chóng chuyển vào Viện Y học biển VN để được điều trị bằng Oxy cao áp – một phương pháp đặc hiệu đối với các trường hợp tai biến lặn. Đêm ngày 10/4, nạn nhân được chuyển đến Viện Y học biển, tại đây, nạn nhân được tiến hành làm các xét nghiệm, thăm dò chức năng và chụp Cắt lớp vi tính (CLVT), kết quả chụp CLVT cột sống thắt lưng cho thấy có bóng khí tại vùng thắt lưng.

Bệnh nhân được chẩn đoán tai biến lặn được Trung tâm Oxy cao áp, Viện Y học biển điều trị như nào ?

Bệnh nhân được GS.TS. Nguyễn Trường Sơn trực tiếp đến hội chẩn ngay trong đêm và chỉ định điều trị bằng phác đồ VINIMAM 6 kéo dài gần 5 tiếng. Sau ca cấp cứu đầu tiên, bệnh nhân đã cải thiện các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, hết buồn nôn, không nôn, đỡ tê bì tay chân. Và chỉ sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã hết các triệu chứng, được rút sonde tiểu và xuất viện.

Tai biến lặn nguy hiểm như nào ?

Tai biến lặn là một trong những bệnh nghề nghiệp của thợ lặn có tỷ lệ gây tử vong và mất sức lao động cao. Nước ta có bờ biển dài, có nhiều thợ lặn làm việc ở nhiều ngành khác nhau: xây dựng, cứu hộ, dầu khí, quốc phòng, đặc biệt trong đánh bắt hải sản. Tai biến lặn không chỉ xảy ra ở những người lần đầu lặn biển mà có thể xảy ra ở cả những bệnh nhân đã có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nếu như không tuân thủ quy trình an toàn lặn.

▶️  Theo khuyến cáo của Hội Y học dưới nước và cao áp Quốc tế, để đề phòng tai biến lặn, thợ lặn cần tuân thủ các quy định sau:

– Không nên lặn quá 2 lần/ ngày. Khoảng cách giữa 2 lần lặn cách nhau ít nhất 6 giờ.

– Thời gian ở dưới đáy tốt nhất là 30 phút trở lại (vì thời gian ở đáy nước càng lâu thì nguy cơ tai biến lặn càng cao)

– Độ sâu lần lặn sau bao giờ cũng phải nông hơn lần lặn trước đó và thời gian ở dưới nước cũng phải ngắn hơn lần lặn trước

– Thời gian nổi lên mặt nước chỉ nên là 1feet/ phút (0,30 m/phút).

Như vậy, dự phòng tai biến lặn bằng cách lặn đúng kỹ thuật có trang bị kỹ thuật bảo hộ và tuân thủ các qui định an toàn lặn là rất quan trọng. Nhưng nếu không may có trường hợp đáng tiếc xảy ra, hãy liên hệ ngay với chúng tôi, Viện Y học biển VN 0225 3 519 687, Trung tâm Y học dưới và Oxy cao áp (máy lẻ 107) ☎️.

ThS.BS Hồng Anh
Trung tâm Y học dưới nước và OXCA

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *