Gần cả cuộc đời gắn bó, dành trọn niềm đam mê, tâm huyết cho chuyên ngành Y học biển và đến nay ông vẫn đang viết tiếp những trang sử vẻ vang đầy tự hào với nghề. Ông không chỉ xứng đáng là một trong những người con ưu tú của quê hương Vũ Xá, Lục Nam, Bắc Giang mà còn là niềm tự hào của Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Ông là GS.TS.TTND Nguyễn Trường Sơn – người sáng lập ra chuyên ngành Y học biển Việt Nam. Ông là Viện trưởng sáng lập Viện Y học biển Việt Nam, hội viên Hội Y học biển quốc tế, Trưởng khoa Y học biển – Trường Đại học Y dược Hải Phòng, Chủ tịch Hội Y học biển Việt Nam. Hiện nay, ông là chuyên gia đầu ngành về y học biển và y học cao áp của nước ta và là Chủ tịch Hội đồng KHCN và Chuyên môn của Viện Y học biển.
“Sống là làm việc, là phấn đấu hết mình”
GS.TS Nguyễn Trường Sơn sinh ngày 10 tháng 7 năm 1955 tại xã Vũ Xá, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Quê hương ông nằm ven dòng “Sông Lục (Lục Nam)” vốn là một vùng chiêm trũng “Đồng nhỏ trong thung, mảnh ruộng chân đồi”, lúa chỉ cấy được một vụ còn lại từ tháng 5 đến tháng 9-10 là mùa lũ lụt mênh mông trắng nước nên cuộc sống của mỗi người dân đều vô cùng khó khăn. Cũng giống như bao gia đình khác, hoàn cảnh kinh tế gia đình ông chỉ trông chờ vào vụ mùa duy nhất lại đông con nên vô cùng eo hẹp, vào mùa giáp hạt việc thiếu cơm ăn xảy ra thường xuyên. Nhưng chính những khó khăn trong cuộc sống đã nuôi dưỡng ý chí lạc quan, kiên cường và bền bỉ trong ông, đồng thời thôi thúc ông không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Và có một điều ông luôn coi đó là niềm may mắn lớn trong cuộc đời mình, bố mẹ ông tuy đều là nông dân “một nắng hai sương”, đầu tắt mặt tối, không được học hành, không biết chữ nghĩa… nhưng lại rất coi trọng việc học hành của con cái. Cha mẹ ông luôn căn dặn các con “Đời bố mẹ không được đi học nên cố gắng làm lụng vất vả cho con có cái chữ, các con cố mà học để ấm vào thân”. Có lẽ đó chính là động lực to lớn nhất giúp ông vượt qua được thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời.
Thời đó, xã ông không có trường học cấp 2 và phải đi xã khác học nhờ, hàng ngày ông phải dậy sớm đi bộ 5 cây số đến trường ở xã bên để học nhờ. đến năm cấp III tiếp tục đi qua chặng đường 20 cây số để đến trường. Vì điều kiện khó khăn ấy nên xã ông ít người có đủ kiên trì để theo tới cùng việc học. Bản thân ông thậm chí đôi lúc cũng cảm thấy nản chí nhưng ý chí quyết tâm muốn thay đổi cuộc sống khó nhọc bao đời, vươn lên học hành đã giúp ông vượt qua khó khăn ấy và là một trong số hiếm những người trong xã theo học hết chương trình cấp III (lớp 10) nay là THPT (lớp 12).
Khi nói về con đường sự nghiệp của mình, ông tâm sự: “Dường như có một cơ duyên bởi sau khi tốt nghiệp cấp 3 năm 1973 với số điểm đủ để đi học ở nước ngoài, được chọn vào ngành an ninh nhưng khi có giấy gọi vào Trường Đại học Y Hà Nội, tôi quyết định thay đổi, gắn cuộc đời mình với nghề thầy thuốc. Sở dĩ vậy bởi ngành y cũng là mơ ước của tôi”. Lại nói về mơ ước của ông, thời niên thiếu, ông đã phải chứng kiến và trải qua biết bao sự đau đớn, mất mát. Em gái nhỏ của ông bị viêm màng não, phải cấp cứu, rồi bị liệt; khi mẹ ông sinh con út, vì thai quá to nên bị ngạt và mất ở trạm xá xã. Không khí buồn thương tràn ngập cuộc sống gia đình, lúc ấy, nước mắt cứ nghẹn ngào, ông đã thầm mơ ước mình có thể làm được điều gì đó để giúp cho cha mẹ, cho các em và người dân quê Ông… Sau này, khi đi học, ông thường hay mượn những cuốn sách viết về các nhà bác học với mong ước trở thành một thầy thuốc để chữa bệnh cho mọi người và ước mơ của ông đã trở thành hiện thực. Năm 1973, ông chính thức bước chân vào trường Đại học Y Hà Nội, bắt đầu theo đuổi ước mơ của mình với một niềm đam mê, quyết tâm mãnh liệt. Giấc mơ ngày nào đã thành hiện thực. Ông vẫn nhớ, vào năm thứ 4, khi ấy đúng vào dịp nghỉ Tết nên ông về quê và đã cứu được hai sản phụ. Đó chính là bước đầu tiên của chàng sinh viên Y khoa khi đứng trước ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết của bệnh nhân. Đến năm thứ 5, Ông đã được chọn để bồi dưỡng làm giảng viên cho các Trường Đại học y.
Năm 1979, ông tốt nghiệp và đứng trước nhiều sự lựa chọn nơi làm việc, tuy nhiên Ông đã chọn cơ sở 2 của Trường Đại học Y Hà Nội tại Hải Phòng. Và rồi, sức trẻ, đam mê cống hiến đã thôi thúc ông quyết định về với thành phố biển Hải Phòng. Ông trở thành một trong số 17 cán bộ, giáo viên đầu tiên về xây dựng cơ sở 2 của Trường Đại học Y Hà Nội tại Hải Phòng thời ấy, nay là Trường Đại học Y – Dược Hải Phòng. Trước khi về Hải Phòng công tác thật may mắn, Ông được một người thày cực kỳ tâm huyết với nghề là GS.TS Lê Thành Uyên của Trường Đại học Y Hà Nội định hướng cho một số vấn đề khoa học, trong đó có gợi ý đến công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân vùng biển, đảo – một chuyên ngành ở các quốc gia có biển đã phát triển từ lâu, còn ở nước ta thì chưa có. Và ông đã đi theo con đường đó, tập trung nghiên cứu để xây dựng và phát triển chuyên ngành Y học biển, một chuyên ngành còn rất mới mẻ của nền y học Việt Nam.
Như chính GS từng nói: “Sống là phải làm việc, là phấn đấu hết mình”. Những thành công mà GS Nguyễn Trường Sơn có được ngày hôm nay đã cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông trong cuộc sống và sự nghiệp.
Trên “con tàu” Y học biển Việt Nam…
Đối với GS Nguyễn Trường Sơn, y học biển tựa như là duyên phận, nó đến với ông theo cái cách tự nhiên như một định mệnh. Ông không chỉ là người sáng lập ra chuyên ngành Y học biển Việt Nam, ông còn dành trọn cuộc đời mình cho chuyên ngành ấy. Tôi có hỏi vì sao bao nhiêu bác sỹ sau khi tốt nghiệp chọn những chuyên khoa như ngoại, nội, răng – hàm – mặt, tai mũi họng, mắt…để có thể dễ dàng có thu nhập cao hơn mà Ông lại chọn chuyên ngành y học biển mà nhiều người thời đó còn chưa biết nó là gì, Ông chỉ nói đơn giản là “việc chọn người chứ không phải là người chọn việc”. Nếu ai cũng chọn những chuyên khoa thời thượng, dễ dàng cho cuộc sống thì ai sẽ lo cho sức khoẻ và sự an toàn sinh mạng của bao nhiêu người dân, các lao động trên mọi vùng biển, đảo, những ngư dân bám biển bào vệ từng mét vuông chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, họ tự nguyện trở thành những “cột mốc sống” hiên ngang trên biển gìn giữ non sông Tổ quốc muôn đời.
Năm 1986, lần đầu tiên Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Hải Phòng được Bộ Y tế giao thực hiện một đề tài cấp Bộ về “Nghiên cứu đặc điểm sinh học người đi biển Việt Nam” do ông và GS Nguyễn Lung, GS Lê Thành Uyên thực hiện. Đề tài được áp dụng ngay vào thực tiễn xây dựng Tiêu chuẩn sức khỏe cho thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các lao động biển Việt Nam có kết quả rất tốt. Trong hai năm từ 1988-1989, ông được Nhà trường cử đi học sau Đại học chuyên ngành Y học biển tại Viện Y học biển và Nhiệt đới nước Cộng hoà Ba Lan, một trung tâm Y học biển bậc nhất châu Âu thời đó. Sau khi hoàn thành khóa học Ông trở về nước, bằng kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn đã được đào tạo, ông tham mưu với Lãnh đạo Trường Đại học Y Hải Phòng thành lập “Đơn vị nghiên cứu Y học biển” (năm 1991) và đến năm 1995 nó được nâng cấp thành “Trung tâm Nghiên cứu về Y học biển”. Đây là bước ngoặt có tính chiến lược về mặt cơ sở lý luận cũng như thực tiễn để phát triển chuyên ngành Y học biển tương lai cho đất nước. Năm 1995, ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ tại Học viện Quân Y với đề tài “Nghiên cứu đặc điểm một số chức năng sinh học của những người lao động trên biển khu vực Bắc Việt Nam”, đây là đề tài đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực y học biển.
Năm 1998, Trường Đại học Y Hải Phòng được thành lập, khi đó GS Nguyễn Trường Sơn được tin tưởng giao cho đảm nhận vai trò là Trưởng Bộ môn Y học biển, đồng thời được giao nhiệm vụ Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Y học và Môi trường biển của Trường nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu phát triển chuyên ngành Y học biển và tạo điều kiện cho sinh viên vừa học tập lý thuyết vừa kết hợp với thực hành lâm sàng. Ngày 27 tháng 3 năm 2001, Viện Y học biển Việt Nam trực thuộc Bộ Y tế được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Y học và Môi trường biển của Đại học Y Hải Phòng, ông được bổ nhiệm làm Phó viện trưởng phụ trách Viện, năm 2003, được bổ nhiệm Quyền Viện trưởng và mãi đến 2004 mới được cắt “Q” làm Viện trưởng. Với vai trò là một Viện đầu ngành của cả nước, Viện Y học biển dưới sự lãnh đạo của Ông đã xây dựng chiến lược phát triển ngành Y học biển và đào tạo nguồn nhân lực y học biển với các nội dung nghiên cứu rộng rãi liên quan đến nhiều lĩnh vực như: Y học hàng hải, Y học thuỷ sản; Y học dầu khí… Với nhiều chuyên khoa liên quan như Cấp cứu và phòng chống thảm họa biển, Y học dưới nước và cao áp, Y học lâm sàng biển, Y học nghề nghiệp biển…
Vừa đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, quản lý, GS Nguyễn Trường Sơn vừa tiếp tục tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo. Điều mà ông tâm đắc nhất trong cuộc đời làm khoa học của mình đó chính là hình thành nên một chuyên ngành khoa học Y học biển đem lại hy vọng, niềm tin cho những con người đang ngày đêm làm nhiệm vụ gìn giữ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ai cũng biết rằng, đất nước ta có bờ biển dài trên 3260 km, với 28 tỉnh, thành phố ven biển, gần một nửa dân số của cả nước sống nhờ vào tài nguyên biển và nghề biển. Vấn đề quan trọng nhất đối với người làm nghề biển là sức khoẻ và khả năng chịu đựng sóng gió. Cùng là vấn đề về sức khỏe, song việc chăm sóc y tế trên biển lại hoàn toàn khác với đất liền. Ở đất liền, phương tiện cấp cứu, giao thông đi lại thuận lợi hơn, nhưng trên biển, đảo khi có ca cấp cứu người dân phải thuê tàu cá mất hàng trăm triệu đồng để vào đất liền với chặng đường nhiều giờ trên biển, diễn biến bệnh tật rất khôn lường, nhiều trường hợp đã tử vong trên đường vận chuyển từ biển vào bờ. Tổ chức mạng lưới y tế trên biển và các vùng hải đảo phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng mang tính đặc thù riêng không thể áp dụng như mô hình trên đất liền. Vấn đề này liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đó cả chế độ, chính sách, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực… Lao động trên biển thường xuyên phải hứng chịu những nỗi lo thường trực như an toàn sức khỏe, an toàn sinh mạng, chưa kể những hiểm nguy rình rập… Từ đó, ông nhận thức rõ việc cần phải có một mô hình tổ chức mạng lưới y tế dành riêng cho khu vực biển, đảo và một chuyên ngành Y học biển ra đời và phát triển đủ tầm vóc phục vụ cho việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho quân và dân trên các vùng biển, đảo là hết sức cấp thiết để có thể đáp ứng được việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và lao động khu vực biển, đảo, góp phần phát triển kinh tế biển, bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Từ những ý tưởng và khát vọng đầy tính nhân văn ấy, ông đã cùng những cộng sự đồng chí hướng và tâm huyết của mình vượt qua bao gian nan thử thách, kiên trì, dũng cảm xây dựng và phát triển chuyên ngành Y học biển Việt Nam có được vị trí và tầm vóc như hiện nay.
Từ năm 1980 đến nay, ông hoàn thành và công bố 140 công trình và đề tài khoa học, trong các tạp chí khoa học có uy tín ở trong và ngoài nước từ cấp cơ sở, đến cấp Bô và cấp thành phố, trong đó có 11 đề tài từ cấp Bộ trở lên. Đã công bố trên 115 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và 15 bài báo khoa học trong các tạp chí quốc tế. Tất cả các công trình nghiên cứu khoa học của ông đều tập trung nghiên cứu chuyên sâu vào các vấn đề nhằm phát triển chuyên ngành Y học biển và y học cao áp như: Y học Hàng hải; Y học Thủy sản; Y học du lịch biển; Y học dầu khí xa bờ; Y học hải đảo và ven biển; Y học môi trường biển; Dịch tễ học biển; Ứng dụng Tele-Medicine trong cấp cứu và phòng chống thảm họa biển, y học lặn, y học cao áp lâm sàng (Oxy cao áp). Bên cạnh đó, ông còn tập trung nghiên cứu về phát triển tổ chức mạng lưới cơ sở y tế biển – đảo, đáp ứng yêu cầu cấp cứu, chăm sóc sức khỏe cho lao động và nhân dân trên biển – đảo. Nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật về y tế biển; Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách về y tế biển – đảo. Những công trình tiêu biểu nhất do ông làm chủ nhiệm đã được nghiệm thu xuất sắc phải kể đến như: “Các công trình nghiên cứu về chứng bệnh say sóng của người đi biển, trong đó có đề tài nghiên cứu chế tạo thiết bị thử nghiệm và phương pháp đánh giá khả năng chịu sóng cho người đi biển”, đề tài đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng rộng rãi trong việc tuyển chọn khả năng chịu sóng cho những người vào học tập và làm việc trong nghề đi biển, kể cả việc tuyển chọn sức khỏe cho bộ đội hải quân“Nghiên cứu dịch tễ học, các yếu tố liên quan, đề xuất một số giải pháp phòng và phát hiện sớm nhiễm virus Hantaan tại cảng Hải Phòng”; “Nghiên cứu thực trạng sức khỏe, cơ cấu bệnh tật, công tác tổ chức đảm bảo sức khỏe cho cán bộ và nhân dân huyện đảo Bạch Long Vỹ, TP Hải Phòng”; “Đánh giá tác động của điều kiện lao động đến sức khỏe và cơ cấu bệnh tật của thuyền viên vận tải viễn dương Việt Nam”; “Nghiên cứu thực trạng điều kiện lao động, các tai biến do lặn và đề xuất một số biện pháp cấp cứu, dự phòng cho ngư dân lặn bắt hải sản tại Cô Tô và Bạch Long Vỹ, Lý Sơn”; “Khảo sát thực trạng bệnh giãn tĩnh mạch của người lao động, đề xuất tiêu chuẩn chẩn đoán…”; “Đánh giá thực trạng công tác y tế đáp ứng với biến đổi khí hậu tại một số huyện đảo vùng đông bắc của Việt Nam và đề xuất mô hình tổ chức y tế phù hợp”, Ông cũng là tác giả của loạt “công trình nghiên cứu về ứng dụng của phương pháp trị liệu Ô xy cao áp (HBOT) trong cấp cứu, hồi sức, đặc biệt là lần đầu tiên Ông cùng với các bác sỹ của Liên khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc biển phối hợp với Trung tâm Y học dưới nước và Ô xy cao áp sử dụng phương pháp hồi sức cao áp điều trị thành công rất nhiều ca bệnh hiểm nghèo như tai biến lặn, sứa lửa đốt, ngộ độc các loại khí độc, tai biến mạch não, vết thương, vết loét khó liền, rối loạn tiền đình, phục hồi chức năng, phục hồi sức khoẻ, chống mệt mỏi và chống lão hoá…”
Bên cạnh các đề tài, các công trình khoa học, ông còn chủ trì, tham dự nhiều hội thảo về Y học biển quốc gia và quốc tế tại hàng chục nước có biển ở khắp các châu lục trên thế giới. Bên cạnh đó, ông đã cùng đội ngũ lãnh đạo, thầy thuốc, giảng viên, nhân viên Viện Y học biển luôn tiên phong có mặt trên khắp mọi nẻo đường biển đảo của Tổ quốc, trực tiếp khám chữa bệnh cho đồng bào và các lao động biển; xây dựng giáo trình, chương trình đào tạo và thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực y học biển và phát triển mạng lưới y tế biển, đảo; biên soạn, viết và xuất bản nhiều cuốn sách chuyên môn, những cẩm nang quý báu về kiến thức Y học biển, đồng thời tập huấn cấp cứu ban đầu trên biển cho ngư dân, thuyền viên và sỹ quan. Ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách có giá trị như: “Cấp cứu biển”; “Bài giảng Y học biển T1: Y học nghề nghiệp, cấp cứu và phòng chống thảm họa biển”; “Bài giảng Y học biển T2: Y học dưới nước và cao áp”; “Chứng bệnh say sóng của người đi biển”… Và cho đến nay, ông đã đào tạo hàng chục lớp chuyên khoa định hướng y học biển cho cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Các chương trình này có sự phối hợp với các giảng viên của Cộng hòa Pháp, Mỹ. Hướng dẫn luận văn cao học, BSCK cấp 2, hướng dẫn luận án cho Nghiên cứu sinh (NCS) của Học viện Quân y và Đại học Y Hải Phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Từ năm 1997 đến nay, ông đã hướng dẫn cho hơn 13 nghiên cứu sinh làm luận án Tiến sĩ tại các cơ sở kể trên và trên 30 chục luận văn ThS, BSCK cấp 2. Ngoài ra, Ông còn có những đóng góp đáng trân trọng vào việc hình thành mạng lưới, tổ chức y tế biển của khu vực và cả nước. Nhiều dự án, chương trình mục tiêu được triển khai mang lại lợi ích thiết thực cho những người dân vùng biển cũng như trên lĩnh vực hoạt động kinh tế, quốc phòng, an ninh trên biển… Sự tiên phong trong nghiên cứu khoa học của GS Nguyễn Trường Sơn về lĩnh vực Y học biển Việt Nam đã được thế giới biết đến, tin tưởng bởi những thành công và sự đóng góp vô giá cho sự nghiệp Y học biển của ngành Y tế cả nước. Với nhãn quan chiến lược cùng sự nhạy bén trong lãnh đạo, GS Nguyễn Trường Sơn đã giúp Viện Y học biển Việt Nam ký kết và triển khai hợp tác song phương hết sức có hiệu quả trong việc phát triển nguồn nhân lực và chuyên ngành Y học biển với các đối tác như: Hội Phổi và Phẫu thuật lồng ngực Pháp – Việt; Tổ chức AFEPS Cộng hòa Pháp, Viện – Trường Đại học Y khoa Brest; Hội Y học biển cộng hoà Pháp; Hội Y học biển quốc tế (IMHA); Viện Y học biển và Nhiệt đới cộng hoà Ba Lan; Tập đoàn Y học cao áp Hyperbaric health của Australia; Đại học Kanazawa Nhật Bản và gần đây nhất là Trung tâm Y học hải quân số 1 Hoa kỳ ở San Diego, California…
Với những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển của ngành y tế nói chung và chuyên ngành Y học biển nói riêng, GS Nguyễn Trường Sơn đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quí như: Bằng khen của các Bộ, ngành ở Trung ương, Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo (1986) và Huy chương Vì thế hệ trẻ (1996); Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục (1999); Huy chương Vì sức khỏe nhân dân, nhiều Bằng Lao động Sáng tạo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khoa học tâm lí – giáo dục Việt Nam” (2008); Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ” (2009); Huân chương Lao động hạng Ba (2010), Huân chương lao động hạng 2 năm 2015; Huy hiệu Chiến sỹ Trường Sa (2013)… Nhân dịp kỷ niệm 62 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2017, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu cao quý Thầy thuốc Nhân dân.
Qua 45 năm công tác, trải qua nhiều cương vị khác nhau, ở cương vị nào, GS.TS Nguyễn Trường Sơn với trái tim nhiệt huyết, hy sinh trọn đời vì khoa học và sức khỏe của các lao động và nhân dân trên mọi vùng biển, đảo của Tổ quốc. Với bản lĩnh tiên phong, sáng tạo luôn tiến lên phía trước, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp khoa học và đào tạo, xây dựng, phát triển chuyên ngành Y học biển, một chuyên ngành khoa học hoàn toàn mới ở Việt Nam. Con tàu Y học biển Việt Nam mà ông là người khai sinh đồng thời là vị thuyền trưởng đầu tiên với sứ mệnh thiêng liêng đã vượt muôn trùng sóng gió ra khơi, vươn xa trong sự nghiệp bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân biển, đảo, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tận tâm và tận hiến, ông mãi là con ong thợ cần mẫn luyện nhụy hoa thành mật ngọt dâng đời…